Tổ chức Viện_Dân_biểu_Trung_Kỳ

Ủy viên của viện được gọi là "nghị viên", tổng cộng có 33 người.[1] Đứng đầu là viện trưởng.

Thành phần cử tri khá hạn chế vì phải thuộc ít nhất một trong sáu diện sau đây:[1]

  1. công chức
  2. sinh viên hoàn tất đại học
  3. cai tổng
  4. đại biểu của hội đồng kỳ hào hàng xã do Viện Cơ mật tuyển chọn
  5. quan lại
  6. thương gia đóng ngạch thuế cao

Nhiệm vụ của Viện Dân biểu là góp ý với chính phủ về các vấn đề liên quan đến dân chúng bản xứ. Quan trọng hơn, chính phủ Bảo hộ phải tham khảo Viện Dân biểu về ngân sách, thuế khóa và các công trình công cộng ở Trung Kỳ.[1]

Cải tổ

Ngày 3 tháng 7 năm 1933, hoàng đế Bảo Đại nới rộng thành phần đại diện qua chỉ dụ 45. Theo quy định đó Viện Dân biểu Trung Kỳ phải bao gồm đại diện của ba khối tầng lớp: dân đinh không phải là thương gia (cứ 30.000 dân được bầu một đại biểu), thương gia có đóng thuế môn bài và dân đinh các dân tộc thiểu số. Sắc dụ này cũng lập ra một ủy ban thường trực gồm ba thành viên để làm việc với Bộ Lại, sáp nhập hoạt động của Viện vào việc triều chính.[2]

Đối với tiêu chuẩn cử tri, chính quyền chọn trong số 50 suất đinh mới được một cử tri. Cử tri và ứng viên phải là công dân có nghề nghiệp, hoạt động hợp pháp. Phần lớn cử tri được phát thẻ và ứng viên là hương lý đương chức và viên chức nhà nước.

Nhiệm kỳ của các ủy viên là bốn năm. Mỗi năm viện họp một khóa tại Huế, do vua ra chỉ dụ triệu tập, theo đề nghị của thượng thư Bộ Lại, sau khi đã được khâm sứ Pháp đồng ý. Theo đề nghị của Hội đồng Thượng thư đã được khâm sứ Pháp thông qua, nhà vua có thể ra văn bản giải tán viện, sau khi đã được toàn quyền Đông Dương chuẩn y.

Hàng năm Viện Dân biểu Trung Kỳ được cử hai đại diện làm ủy viên chính thức tại Đại hội đồng Lợi ích Kinh tế và Tài chính Đông Dương (Đại hội đồng Lý tài Đông Dương, thành lập ngày 4 tháng 11 năm 1928).